Với nội dung phong phú, gần 5.000 học sinh (HS) thuộc các trường THCS, THPT, TTGDTX và đông đảo phụ huynh (PH) HS trên địa bàn huyện Củ Chi đã có được những thông tin cực kỳ bổ ích khi tham gia Ngày hội phân luồng hướng nghiệp và tuyển sinh 2013 với chủ đề “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” do Báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp với Trường TC Bách khoa Sài Gòn tổ chức.
“Khăn quàng đỏ” thích… trường nghề
Không chỉ có HS, một số PH cũng tranh thủ ghé qua để được nghe giải đáp các thắc mắc hoặc trao đổi với các thành viên Ban tư vấn về quyết định của con em mình. Anh Nguyễn Văn Phong, PH em Nguyễn Thành Lợi (HS lớp 9/2, Trường THCS Trung Lập Hạ) cho biết: “Tôi tham gia chương trình hướng nghiệp này để xem các ngành nghề mà con tôi tính lựa chọn sẽ như thế nào. Mặc dù học lực của cháu vào loại khá nhưng nếu cháu muốn đi thẳng vào trường nghề thì gia đình tôi sẽ không ép mà sẵn sàng đồng ý với nguyện vọng của cháu”.
nghe 2

Em Trần Thị Kim Ngân (lớp 12 chuyên toán lý Trường THPT Trung Phú) đặt câu hỏi cho Ban tư vấn
Ở một góc sân trường, chị Lê Mỹ Huyền không giấu nổi nét muộn phiền. “Nó học chẳng đến nỗi tệ lắm. Nhà tuy khó khăn nhưng cũng cố gắng lo cho con đường học hành đến nơi đến chốn. Vậy mà không biết nó nghe thông tin ở đâu, bây giờ về đòi vào thẳng trường trung cấp, không xét tuyển vào THPT nữa. Gia đình nói thế nào cũng chẳng nghe. Hôm nay, nó bắt tôi tới đây, biểu “má tới đây mà nghe mấy ổng (Ban tư vấn – PV) nói””, chị Huyền tâm sự. Nói tới đây, con chị – em Võ Hoàng Ngọc (HS trường THCS Tân An) – cắt ngang: “Em nói rồi mà má không chịu nghe em. Học lực trên lớp của em chỉ là HS trung bình. Chương trình THPT học nặng hơn, nhiều môn hơn, em sợ không theo được”. Thấu hiểu được suy nghĩ và tâm trạng của hai mẹ con, các thành viên Ban tư vấn tuyển sinh đã phân tích, đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích để giúp nguời mẹ hiểu rằng: Sự lựa chọn của con mình là hoàn toàn đúng đắn. TS. Châu Văn Dưỡng (Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa Sài Gòn) cho biết: “Nếu tốt nghiệp THPT, các em sẽ học TCCN khoảng 2 năm, còn nếu tốt nghiệp THCS thì sẽ mất khoảng 3 năm. Sau khi học ở trường, các em sẽ được cấp bằng TCCN và một giấy chứng nhận hoàn thành chương trình văn hóa phổ thông. Với bằng cấp này, các em vẫn được liên thông lên các bậc CĐ, ĐH”. Chia sẻ thêm, TS. Lưu Đức Tiến (Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT TP.HCM) nói: Sau THCS, các em còn rất nhiều con đường lựa chọn ngoài việc xét/thi tuyển vào THPT. Trong đó, theo học TCCN cũng là một hướng đi tốt cho tương lai. Nếu sau khi học THCS, các em chọn ngay trường TCCN để học thì chỉ mất khoảng 3-4 năm là đã có bằng nghề kèm theo giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT và có thể học liên thông vào các bậc cao hơn. Trong khi học xong THPT thì sẽ mất khoảng 5 năm để vừa có bằng nghề vừa có bằng THPT. Trong kỳ tuyển sinh 2012, tại TP.HCM có 145.714 thí sinh thi vào CĐ và ĐH nhưng chỉ có 24.557 em trúng tuyển (chiếm khoảng 17%). Như vậy còn 80% thi rớt và lựa chọn vào TCCN, CĐ nghề… Hiện TP.HCM có 49 trường TCCN và nhiều cơ sở đào tạo nghề nên các em sẽ còn rất nhiều cơ hội để học nghề”.
Rộng đầu vào cho HS
nghe 3

Học sinh Trường THPT Quang Trung (Củ Chi) đến Ngày hội tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức ngày 23-3 để tìm hiểu thông tin nghề nghiệp, việc làm. Ảnh: Bình – Anh
Ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết: Huyện Củ Chi nằm liền kề với các khu công nghiệp ở Bình Dương, Tây Ninh và tiếp giáp với những quận huyện đang phát triển nên cơ hội việc làm sau khi ra trường của các em rất cao. Bên cạnh đó, huyện lại có rất nhiều làng nghề truyền thống, thủ công nghiệp nên xu hướng phát triển của Củ Chi trong thời gian tới là một nền kinh tế vừa hiện đại, vừa truyền thống. Ngoài ra, nhu cầu nhân lực của thành phố từ nay đến năm 2020 là 250 ngàn đến 270 ngàn nhân lực thì Củ Chi cần khoảng 10 ngàn đến 12 ngàn lao động có tay nghề. Chính vì vậy, nếu có tay nghề, chắc chắn các em sẽ không thiếu việc làm”.
Ông Nguyễn Thanh Tú, Tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM cho biết: “Thực hiện việc phân luồng – hướng nghiệp cho HS ngay khi còn học ở các trường THCS là định hướng được nhiều cơ quan, ban ngành GD-ĐT quan tâm trong những năm gần đây. Chúng tôi mong các em sẽ có được những thông tin hữu ích cho việc lựa chọn ngành nghề phù hợp cho tương lai của mình.
Ngoài việc vào trường TCCN thì CĐ và ĐH là điều mong muốn của hầu hết HS các trường THPT. Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM: “Nếu điểm thi CĐ, ĐH bình quân trong cả nước năm 2012 là 11,3 điểm thì riêng ở địa bàn huyện Củ Chi, điểm trung bình này tương đối tốt. Chẳng hạn như điểm bình quân của Trường THPT Trung Phú là 12,03 điểm, THPT Quang Trung 11,43 điểm, THPT Củ Chi 11,27 điểm, THPT Trung Lập 10,77 điểm, THPT An Nhơn Tây 10,27 điểm… Với mức điểm trung bình như vậy, nếu chọn trường phù hợp với năng lực của mình thì cơ hội vào các trường CĐ, ĐH của các em khá cao”. Dù vậy, PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho rằng, HS ngoại thành Củ Chi có cơ hội vào ĐH, CĐ khá cao nhưng nếu lựa chọn ngành, trường không phù hợp với năng lực của bản thân thì cơ hội này sẽ khép lại. “Khi chọn ngành, chọn trường, các em cần cẩn trọng xét sở thích, sở trường, sở đoản của mình liệu có phù hợp hay không? Các em cần phải hiểu bản thân mình phù hợp với ngành gì, không nên nghe hoàn toàn thầy cô, cha mẹ và bạn bè mà xem đây là những lời tư vấn quan trọng để tham khảo thêm. Ngoài ra, các em không nên đặt nặng vấn đề ngành “hot” mà phải tỉnh táo xem 5 năm, 6 năm sau ngành gì cần nhiều nhân lực…”.
Dương Bình – Ngọc Anh
TS. Châu Văn Dưỡng (Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa Sài Gòn) chia sẻ: “Việc kết hợp với Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức ngày hội này là điều hết sức ý nghĩa và thiết thực cho HS huyện Củ Chi và các quận huyện lân cận hoạch định tương lai của mình. Và để khuyến khích các em tham gia học nghề, chúng tôi đã liên kết với một tập đoàn Nhật Bản tài trợ 30% học phí và được hỗ trợ 100% tiền ký túc xá của 3 tháng đầu tiên cho những em nhập học trong các đợt đầu đăng ký”.